Với mong muốn giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về các hình thức đầu tư nước ngoài vào Viêt Nam mà nhà đầu tư có thể lựa chọn, Chúng tôi xin chia sẻ về các hình thức đầu tư nước ngoài vào việt nam với quý khách qua bài viết sau đây.
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có các hình thức là trực tiếp và gián tiếp:
- Đầu tư trực tiếp là hình thức nhà đầu tư sử dụng tiền, tài sản của mình để thực hiện các dự án đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các tổ chức kinh tế với mục đích tìm kiếm lợi nhuận và trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý điều hành dự án, doanh nghiệp.
- Đầu tư gián tiếp là việc nhà đầu tư sử dụng vốn đầu tư để thực hiện các hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp, chứng khoán, giấy tờ có giá trị nhằm mục đích hưởng lợi nhuận mà không cần tham gia vào quá trình quản trị, điều hành.
1. Đầu tư theo hình thức trực tiếp
Đây là hình thức đầu tư đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư muốn tự mình quản lý, vận hành hoạt động của dự án đầu tư, doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể lựa chọn hình thức thành lập tổ chức kinh tế mới, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào các doanh nghiệp để trở thành cổ đông lớn, thành viên trong hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, trực tiếp tham gia quyết định đường lối phát triển kinh doanh của doanh nghiệp; kí kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư trong nước cùng nhau thực hiện dự án đầu tư hoặc tham gia đấu thầu thực hiện các dự án hợp tác đối tác công tư PPP.
a.Thành lập tổ chức kinh tế mới
Nhà đầu tư nước ngoài muốn thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư và đáp ứng các điều kiện về tỷ lệ sở hữu vốn góp, hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động, đảm bảo sự tham gia hoạt động của nhà đầu tư Việt Nam và các điều kiện khác theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và pháp luật trong nước.
- Tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài vào các tổ chức kinh tế tại Việt Nam không bị hạn chế trừ một số lĩnh vực sau:
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại công ty niêm yết, công ty đại chúng, tổ chức kinh doanh chứng khoán và các quỹ đầu tư chứng khoán theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
+ Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu theo hình thức khác thực hiện theo quy định của pháp luật về cổ phần hóa và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước;
Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật quốc tế và pháp luật trong nước có quy định về giới hạn tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài.
- Hình thức đầu tư, phạm vi hoạt động căn cứ theo quy định của điều ước quốc tế và pháp luật Việt Nam mà một số lĩnh vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp nhất định và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Ví dụ: Căn cứ theo biểu cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO thì công ty hoạt động trong dịch vụ tư pháp lý thì chỉ được phép thành lập doanh nghiệp dưới hình thức
– Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.
– Công ty luật trách nhiệm hữu hạn 100% vốn nước ngoài.
– Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh.
– Công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài cần có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư trước khi thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định của luật doanh nghiệp.
b. hình thức đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp
Nhà đầu tư có thể lựa chọn hợp tác với các nhà đầu tư khác để cùng nhau thành lập doanh nghiệp mới tại Việt Nam hoặc mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Hoạt động góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp sẽ tuân thủ theo quy định của Luật doanh nghiệp.
Nhà đầu tư cần tiến hành thủ tục đăng ký với sở kế hoạch và đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính khi sở hữu phần vốn góp từ 51% trở lên tổng số vốn điều lệ hoặc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành nghề, lĩnh vực có áp dụng điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký gồm có:
Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Trong thời hạn 15 ngày sở kế hoạch và đầu tư sẽ có văn bản cho ý kiến về vấn đề này. Trường hợp từ chối cho nhà đầu tư góp vốn cần trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
c. Đầu tư theo hình thức hợp đồng PPP
Đây là hình thức hợp tác đầu tư thực hiện các công trình xây dựng giữa một bên chủ thể là nhà nước và một bên là cá nhân, tổ chức để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công. Đây là hình thức hợp đồng có một bên chủ thể là cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nên nhà đầu tư sẽ được Chính phủ bảo đảm và có quyền kiện Chính Phủ khi có tranh chấp xảy ra. Hình thức đầu tư này sẽ được điều chỉnh bởi Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật đầu tư.
d. Đầu tư theo hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh BCC
Hợp đồng BCC là hợp đồng được kí kết giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau, nhà đầu tư nước ngoài với nhà đầu tư nước ngoài hoặc nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài nhằm mục đích cùng thực hiện hoạt động kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Hợp đồng BCC được ký kết giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài hoặc giữa các nhà đầu tư nước ngoài với nhau phải tiến hành đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật đầu tư.
Các bên phải thành lập ban điều phối để đảm bảo thực hiện hợp đồng. Quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của ban điều phối do các bên thỏa thuận với nhau. Các bên được tự do thỏa thuận nội dung hợp đồng không trái với quy định của pháp luật về dân sự, thương mại nhưng phải đảm bảo có các nội dung cơ bản sau:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng
- Địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng
2. Đầu tư theo hình thức gián tiếp
- Nhà đầu tư lựa chọn hình thức này với mục đích tìm kiếm lợi nhuận là chính. Do đó nhà đầu tư có thể lựa chọn việc đầu tư theo hình thức mua cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá trị, ngoại hối, gửi tiết kiệm tại ngân hàng…
+ Thứ nhất: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
+ Thứ hai: Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
- Đối với trường hợp nhà đầu tư mua cổ phiếu, giấy tờ có giá trị từ sàn giao dịch chứng khoán thì không cần tiến hành đăng ký.
- Ngoài ra nhà đầu tư có thể lựa chọn đầu tư thông qua các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư ngoại hối để tiến hành đầu tư.
Quý khách vui lòng liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.
Website: https://www.vinacaptain.com